Tài khoản 211 – Tài sản cố định

Tài khoản 211 – Tài sản cố định

1. Nguyên tắc kế toán:

Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm nguyên giá của toàn bộ tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và TSCĐ thuê tài chính.

1.1. Tài sản cố định là những tư liệu lao động được biểu hiện dưới hình thái vật chất hoặc phi vật chất, có đủ tiêu chuẩn TSCĐ theo qui định (Trừ trường hợp có qui định riêng đối với 1 số tài sản đặc thù).

a) Tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động khác phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình.

Những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập hoặc nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau thành một hệ thống để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thỏa mãn đồng thời cả bốn tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:

– Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;

– Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy;

– Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên;

– Có giá trị theo quy định hiện hành.

Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản và mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thỏa mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định thì được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.

Đối với súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm, nếu từng con súc vật thỏa mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định đều được coi là một tài sản cố định hữu hình.

Đối với vườn cây lâu năm, nếu từng mảnh vườn cây, hoặc cây thỏa mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định thì cũng được coi là một tài sản cố định hữu hình.

b) TSCĐ vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị, do doanh nghiệp nắm giữ sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê và phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình.

Khi một tài sản vô hình được thỏa mãn đồng thời 4 tiêu chuẩn quy định tại điểm a nêu trên thì được coi là TSCĐVH.

c) TSCĐ thuê tài chính

– Thuê tài chính: Là hình thức thuê tài sản mà bên cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn thuê.

– Các trường hợp thường dẫn đến hợp đồng thuê tài chính là:

+ Bên cho thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê khi hết thời hạn thuê;

+ Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, bên thuê có quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê với mức giá ước tính thấp hơn giá trị hợp lý vào cuối thời hạn thuê;

+ Thời hạn thuê tài sản tối thiểu phải chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cho dù không có sự chuyển giao quyền sở hữu;

+ Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu chiếm phần lớn (tương đương) giá trị hợp lý của tài sản thuê;

+ Tài sản thuê thuộc loại chuyên dùng mà chỉ có bên thuê có khả năng sử dụng không cần có sự thay đổi, sửa chữa lớn nào.

– Hợp đồng thuê tài sản được coi là hợp đồng thuê tài chính nếu thỏa mãn ít nhất một trong ba (3) điều kiện sau:

+ Nếu bên thuê hủy hợp đồng và đền bù tổn thất phát sinh liên quan đến việc hủy hợp đồng cho bên cho thuê;

+ Thu nhập hoặc tổn thất do sự thay đổi giá trị hợp lý của giá trị còn lại của tài sản thuê gắn với bên thuê;

+ Bên thuê có khả năng tiếp tục thuê lại tài sản sau khi hết hạn hợp đồng thuê với tiền thuê thấp hơn giá thuê thị trường. Riêng trường hợp thuê tài sản là quyền sử dụng đất thì thường được phân loại là thuê hoạt động.

– TSCĐ thuê tài chính là những TSCĐ chưa thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp có nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý và sử dụng như tài sản của doanh nghiệp.

1.2. Giá trị TSCĐ phản ánh trên TK 211 theo nguyên giá. Kế toán phải theo dõi chi tiết nguyên giá của từng loại và từng TSCĐ. Tùy thuộc vào nguồn hình thành, nguyên giá TSCĐ được xác định như sau:

1.2.1. TSCĐ hữu hình

a) Nguyên giá TSCĐ hữu hình do mua sắm bao gồm: Giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí chuẩn bị mặt bằng, chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử), chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác. Chi phí lãi vay phát sinh khi mua sắm TSCĐ đã hoàn thiện (TSCĐ sử dụng được ngay mà không cần qua quá trình lắp đặt, chạy thử đầu tư xây dựng) không được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ.

– Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm: Là giá mua trả tiền ngay tại thời điểm mua cộng các chi phí liên quan trực tiếp tính đến thời điểm đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại). Khoản chênh lệch giữa giá mua trả chậm và giá mua trả tiền ngay được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo kỳ hạn thanh toán.

– Nguyên giá TSCĐ là bất động sản: Khi mua sắm bất động sản, đơn vị phải tách riêng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo quy định của pháp luật. Phần giá trị tài sản trên đất được ghi nhận là TSCĐ hữu hình; Giá trị quyền sử dụng đất được hạch toán là TSCĐ vô hình hoặc chi phí trả trước tùy từng trường hợp theo quy định của pháp luật.

b) Nguyên giá TSCĐ hữu hình hình thành do đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành

– Nguyên giá TSCĐ theo phương thức giao thầu: Là giá quyết toán công trình xây dựng theo quy định, các chi phí khác có liên quan trực tiếp và lệ phí trước bạ (nếu có). Đối với tài sản cố định là con súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm, vườn cây lâu năm thì nguyên giá là toàn bộ các chi phí thực tế đã chi ra cho con súc vật, vườn cây đó từ lúc hình thành cho tới khi đưa vào khai thác, sử dụng và các chi phí khác trực tiếp có liên quan.

– TSCĐ hữu hình tự xây dựng hoặc tự sản xuất:

Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng là giá trị quyết toán công trình khi đưa vào sử dụng. Trường hợp TSCĐ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp căn cứ vào chi phí đầu tư xây dựng thực tế để hạch toán tăng nguyên giá TSCĐ theo giá tạm tính. Sau khi quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản được duyệt, nếu có chênh lệch so với giá trị TSCĐ đã tạm tính thì kế toán điều chỉnh tăng, giảm vào nguyên giá TSCĐ.

Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự sản xuất là giá thành thực tế của TSCĐ hữu hình cộng (+) các chi phí trực tiếp liên quan đến việc đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

– Trong cả hai trường hợp trên, nguyên giá TSCĐ bao gồm cả chi phí lắp đặt, chạy thử trừ giá trị sản phẩm thu hồi trong quá trình chạy thử, sản xuất thử. Doanh nghiệp không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình các khoản lãi nội bộ và các khoản chi phí không hợp lý như nguyên liệu, vật liệu lãng phí, lao động hoặc các khoản chi phí khác sử dụng vượt quá mức bình thường trong quá trình tự xây dựng hoặc tự sản xuất.

c) Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình không tương tự hoặc tài sản khác, được xác định theo giá trị hợp lý của TSCĐ hữu hình nhận về hoặc giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi, sau khi điều chỉnh các khoản tiền hoặc tương đương tiền trả thêm hoặc thu về cộng các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại).

Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình tương tự, hoặc có thể hình thành do được bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự (tài sản tương tự là tài sản có công dụng tương tự, trong cùng lĩnh vực kinh doanh và có giá trị tương đương). Trong trường hợp này không có bất kỳ khoản lãi hay lỗ nào được ghi nhận trong quá trình trao đổi. Nguyên giá TSCĐ nhận về được tính bằng giá trị còn lại của TSCĐ đem trao đổi.

d) Nguyên giá TSCĐ hữu hình được cấp, được điều chuyển đến bao gồm: Giá trị còn lại trên sổ kế toán tài sản cố định ở doanh nghiệp cấp, doanh nghiệp điều chuyển hoặc giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật và các chi phí liên quan trực tiếp như vận chuyển, bốc dỡ, chi phí nâng cấp, lắp đặt, chạy thử, lệ phí trước bạ (nếu có)… mà bên nhận tài sản phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

đ) Nguyên giá tài sản cố định hữu hình nhận góp vốn, nhận lại vốn góp là giá trị do các thành viên, cổ đông sáng lập định giá nhất trí hoặc doanh nghiệp và người góp vốn thỏa thuận hoặc do tổ chức chuyên nghiệp định giá theo quy định của pháp luật và được các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

e) Nguyên giá tài sản cố định do phát hiện thừa, được tài trợ, biếu, tặng: Là giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp; Các chi phí mà bên nhận phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: Chi phí vận chuyển, bốc dỡ, lắp đặt, chạy thử, lệ phí trước bạ (nếu có).

1.2.2. Tài sản cố định thuê tài chính

a) Nguyên giá của TSCĐ thuê tài chính được ghi nhận bằng giá trị hợp lý của tài sản thuê hoặc là giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu (trường hợp giá trị hợp lý cao hơn giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu) cộng với các chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính. Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thì giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu không bao gồm số thuế GTGT phải trả cho bên cho thuê.

Khi tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản, doanh nghiệp có thể sử dụng tỷ lệ lãi suất ngầm định, tỷ lệ lãi suất được ghi trong hợp đồng thuê hoặc tỷ lệ lãi suất biên đi vay của bên thuê.

b) Số thuế GTGT đầu vào của tài sản thuê tài chính không được khấu trừ được hạch toán như sau:

– Nếu thuế GTGT đầu vào được thanh toán một lần ngay tại thời điểm ghi nhận tài sản thuê thì nguyên giá tài sản thuê bao gồm cả thuế GTGT;

– Nếu thuế GTGT đầu vào được thanh toán từng kỳ thì được ghi vào chi phí SXKD trong kỳ phù hợp với khoản mục chi phí khấu hao của tài sản thuê tài chính.

c) Khoản nợ thuê tài chính phản ánh trên TK 3412 không bao gồm thuế GTGT đầu vào.

d) Không phản ánh vào tài khoản này giá trị của TSCĐ thuê hoạt động.

1.2.3. TSCĐ vô hình

Nguyên giá của TSCĐ vô hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được TSCĐ vô hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào sử dụng theo dự kiến.

a) Nguyên giá của TSCĐ vô hình do mua sắm trả tiền ngay, mua dưới hình thức thanh toán trả chậm, trả góp, mua dưới hình thức trao đổi, TSCĐ vô hình được cho, được biếu, tặng, nhận vốn góp liên doanh, nhận lại vốn góp, do phát hiện thừa…. được xác định như quy định tại điểm 1.2.1 TSCĐ hữu hình.

b) TSCĐ vô hình hình thành từ việc trao đổi, thanh toán bằng chứng từ liên quan đến quyền sở hữu vốn của đơn vị, thì nguyên giá TSCĐ của nó là giá trị hợp lý của các công cụ được phát hành liên quan đến quyền sở hữu vốn của đơn vị.

c) Nguyên giá TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất là số tiền đã trả để có được quyền sử dụng đất hợp pháp (gồm chi phí đã trả cho tổ chức, cá nhân chuyển nhượng hoặc chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, lệ phí trước bạ…) hoặc theo thỏa thuận của các bên khi góp vốn. Việc xác định TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

d) Đối với chi phí thực tế phát sinh liên quan đến giai đoạn triển khai TSCĐ vô hình: Trường hợp xét thấy kết quả triển khai thỏa mãn được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình thì các chi phí giai đoạn triển khai được tập hợp vào TK 241 “Xây dựng cơ bản dở dang” (2412). Khi kết thúc giai đoạn triển khai các chi phí hình thành nguyên giá TSCĐ vô hình trong giai đoạn triển khai phải được kết chuyển vào bên Nợ tài khoản 2113 “TSCĐ vô hình”, nếu không đủ điều kiện ghi nhận là TSCĐ vô hình thì toàn bộ chi phí thực tế phát sinh được kết chuyển vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ hoặc được phân bổ theo quy định của pháp luật.

đ) Chi phí phát sinh đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp gồm: chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp mới thành lập, chi phí chuyển dịch địa điểm được ghi nhận là chi phí SXKD trong kỳ theo quy định hiện hành.

e) Chi phí liên quan đến tài sản vô hình đã được doanh nghiệp ghi nhận là chi phí để xác định kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ trước đó thì không được tái ghi nhận vào nguyên giá TSCĐ vô hình.

g) Các nhãn hiệu, tên thương mại, quyền phát hành, danh sách khách hàng và các khoản mục tương tự được hình thành trong nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là TSCĐ vô hình.

1.3. Việc tính và trích khấu hao tài sản cố định được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với TSCĐ thuê tài chính, định kỳ, bên thuê có trách nhiệm tính, trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí sản xuất, kinh doanh tùy theo bộ phận sử dụng tài sản cố định trên cơ sở áp dụng chính sách khấu hao nhất quán với chính sách khấu hao của tài sản cùng loại thuộc sở hữu của mình. Nếu không chắc chắn là bên thuê sẽ có quyền sở hữu tài sản thuê khi hết hạn hợp đồng thuê thì tài sản thuê sẽ được khấu hao theo thời hạn thuê nếu thời hạn thuê ngắn hơn thời gian sử dụng hữu ích của tài sản thuê.

1.4. Chi phí liên quan đến TSCĐ vô hình phát sinh sau khi ghi nhận ban đầu phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ khi thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện sau thì được ghi tăng nguyên giá TSCĐ vô hình:

– Chi phí phát sinh có khả năng làm cho TSCĐ tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhiều hơn mức hoạt động được đánh giá ban đầu;

– Chi phí được xác định một cách chắc chắn và gắn liền với TSCĐ vô hình cụ thể.

Riêng đối với chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu liên quan đến các tài sản mua ngoài là nhãn hiệu hàng hóa, quyền phát hành, danh sách khách hàng và các khoản mục tương tự về bản chất luôn được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

1.5. Trường hợp mua TSCĐ gồm có nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất thì phải xác định tách biệt giá trị nhà cửa, vật kiến trúc để ghi nhận vào nguyên giá TSCĐ hữu hình (TK 2111) và giá trị quyền sử dụng đất để ghi nhận vào nguyên giá TSCĐ vô hình (TK 2113)

1.6. Doanh nghiệp chỉ thay đổi nguyên giá TSCĐ theo quy định của cơ chế tài chính hiện hành.

1.7. Mọi trường hợp tăng, giảm TSCĐ đều phải lập biên bản giao nhận, biên bản thanh lý TSCĐ và phải thực hiện các thủ tục quy định.

1.8. TSCĐ phải được theo dõi chi tiết cho từng đối tượng ghi TSCĐ, theo từng loại TSCĐ và địa điểm bảo quản, sử dụng, quản lý TSCĐ trên “Sổ Tài sản cố định”, cụ thể:

– TSCĐ hữu hình, gồm: Nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện truyền tải, truyền dẫn, thiết bị dụng cụ quản lý, cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm, các TSCĐ hữu hình khác.

– TSCĐ vô hình, gồm: Quyền phát hành; Bản quyền, bằng sáng chế; Nhãn hiệu hàng hóa; Phần mềm máy tính; Giấy phép và giấy phép nhượng quyền; TSCĐ vô hình khác.

1.9. Tài sản cố định của doanh nghiệp giảm, do nhượng bán, thanh lý, mất mát, phát hiện thiếu khi kiểm kê, điều chuyển cho doanh nghiệp khác, tháo dỡ một hoặc một số bộ phận… Trong mọi trường hợp giảm TSCĐ, kế toán phải làm đầy đủ thủ tục, xác định đúng những khoản thiệt hại và thu nhập (nếu có). Căn cứ các chứng từ liên quan, kế toán ghi sổ theo từng trường hợp cụ thể như sau:

– Trường hợp nhượng bán TSCĐ dùng vào sản xuất, kinh doanh: TSCĐ nhượng bán thường là những TSCĐ không cần dùng hoặc xét thấy sử dụng không có hiệu quả. Khi nhượng bán TSCĐ phải làm đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật.

– TSCĐ thanh lý là những TSCĐ hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng được, những TSCĐ lạc hậu về kỹ thuật hoặc không phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Khi có TSCĐ thanh lý, doanh nghiệp phải ra quyết định thanh lý, thành lập Hội đồng thanh lý TSCĐ. Hội đồng thanh lý TSCĐ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc thanh lý TSCĐ theo đúng trình tự, thủ tục quy định và lập “Biên bản thanh lý TSCĐ”.

Căn cứ vào Biên bản thanh lý và các chứng từ có liên quan đến các khoản thu, chi thanh lý TSCĐ,… kế toán ghi sổ như trường hợp nhượng bán TSCĐ.

1.10. Mọi trường hợp phát hiện thừa hoặc thiếu TSCĐ đều phải truy tìm nguyên nhân. Căn cứ vào “Biên bản kiểm kê TSCĐ” và kết luận của Hội đồng kiểm kê để hạch toán chính xác, kịp thời, theo từng nguyên nhân cụ thể:

a) TSCĐ phát hiện thừa:

– Nếu TSCĐ phát hiện thừa do để ngoài sổ sách (chưa ghi sổ), kế toán phải căn cứ vào hồ sơ TSCĐ để ghi tăng TSCĐ theo từng trường hợp cụ thể.

– Nếu TSCĐ phát hiện thừa được xác định là TSCĐ của doanh nghiệp khác thì phải báo ngay cho doanh nghiệp chủ tài sản đó biết. Trong thời gian chờ xử lý, kế toán phải căn cứ vào tài liệu kiểm kê, tạm thời theo dõi và giữ hộ.

– Nếu TSCĐ thừa không xác định được chủ sở hữu thì ghi tăng thu nhập khác theo giá trị hợp lý của tài sản.

b) TSCĐ phát hiện thiếu phải được truy cứu nguyên nhân, xác định người chịu trách nhiệm và xử lý theo quy định.

Căn cứ “Biên bản xử lý TSCĐ thiếu” đã được duyệt và hồ sơ TSCĐ, kế toán phải xác định nguyên giá, giá trị hao mòn của TSCĐ đó làm căn cứ ghi giảm TSCĐ và xử lý vật chất phần giá trị còn lại của TSCĐ. Tùy thuộc vào quyết định xử lý để hạch toán vào các tài khoản có liên quan.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 211 – Tài sản cố định

Bên Nợ:

– Nguyên giá của TSCĐ tăng do mua sắm, do trao đổi TSCĐ, do XDCB hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, do các đơn vị tham gia liên doanh góp vốn, do được tặng biếu, viện trợ…

– Điều chỉnh tăng nguyên giá của TSCĐ do xây lắp, trang bị thêm hoặc do cải tạo nâng cấp, do đánh giá lại.

Bên Có:

– Nguyên giá của TSCĐ giảm do điều chuyển cho đơn vị khác, do đem đi trao đổi để lấy TSCĐ, do nhượng bán, thanh lý hoặc đem đi góp vốn vào đơn vị khác …

– Nguyên giá của TSCĐ giảm do tháo bớt một hoặc một số bộ phận do đánh giá lại giảm nguyên giá.

Số dư bên Nợ:

Nguyên giá TSCĐ hiện có cuối kỳ ở doanh nghiệp.

Tài khoản 211 – Tài sản cố định có 3 tài khoản cấp 2:

– Tài khoản 2111 – TSCĐ hữu hình: Dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của toàn bộ TSCĐ hữu hình thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp theo nguyên giá.

– Tài khoản 2112 – TSCĐ thuê tài chính: Dùng để phản ánh nguyên giá TSCĐ doanh nghiệp đi thuê dài hạn theo phương thức thuê tài chính.

 Tài khoản 2113 – TSCĐ vô hình: Dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của toàn bộ TSCĐ vô hình thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp theo nguyên giá

 

XEM THÊM: 

➡️ Khóa học Kế toán tổng hợp thực hành

➡️ Khóa học Kế toán trưởng doanh nghiệp

➡️ Khóa học Kế toán trưởng đơn vị kế toán nhà nước

➡️Khóa học Kế toán Xây dựng

➡️ Khóa học Kế toán viên 

Nhận Xét Của Khách Hàng
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Công ty CP Giáo Dục Việt Nam

Trụ sở: Tầng 2, 451 Hoàng Quốc Việt – Cầu Giấy – Hà Nội

VPTS: Lầu 2, số 195 Nguyễn Gia Trí, Phường 25, quận Bình Thạnh, Tp HCM

VPTS: Nhà B, Tầng 2, Phòng B203, Trường Cao đẳng Duyên hải- 156/109 Quán Trữ, Kiến An, Hải Phòng

VPTS: Tại Tp Nha Trang, Tp Đà Nẵng, Tp Huế ....

Hotline 1: 0983 86 86 21

Hotline 2: 028.6277.6656

    ĐĂNG KÝ LỊCH HỌC