Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ
Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các loại công cụ, dụng cụ của doanh nghiệp. Công cụ, dụng cụ là những tư liệu lao động không có đủ các tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng quy định đối với TSCĐ. Vì vậy công cụ, dụng cụ được quản lý và hạch toán như nguyên liệu, vật liệu. Theo quy định hiện hành, những tư liệu lao động sau đây nếu không đủ tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ thì được ghi nhận là công cụ, dụng cụ:
– Các đà giáo, ván khuôn, công cụ, dụng cụ gá lắp chuyên dùng cho sản xuất xây lắp;
– Các loại bao bì bán kèm theo hàng hóa có tính tiền riêng, nhưng trong quá trình bảo quản hàng hóa vận chuyển trên đường và dự trữ trong kho có tính giá trị hao mòn để trừ dần giá trị của bao bì;
– Những dụng cụ, đồ nghề bằng thủy tinh, sành, sứ;
– Phương tiện quản lý, đồ dùng văn phòng;
– Quần áo, giày dép chuyên dùng để làm việc,…
b) Kế toán nhập, xuất, tồn kho công cụ, dụng cụ trên Tài khoản 153 được thực hiện theo giá gốc. Nguyên tắc xác định giá gốc nhập kho công cụ, dụng cụ được thực hiện như quy định đối với nguyên liệu, vật liệu (xem giải thích ở TK 152).
c) Việc tính giá trị công cụ, dụng cụ xuất kho cũng được thực hiện theo một trong ba phương pháp sau:
– Phương pháp Nhập trước – Xuất trước;
– Phương pháp giá thực tế đích danh;
– Phương pháp bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập hoặc cuối kỳ.
d) Kế toán chi tiết công cụ, dụng cụ phải thực hiện theo từng kho, từng loại, từng nhóm, từng thứ công cụ, dụng cụ. Công cụ, dụng cụ xuất dùng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê phải được theo dõi về hiện vật và giá trị trên sổ kế toán chi tiết theo nơi sử dụng, theo đối tượng thuê và người chịu trách nhiệm vật chất. Đối với công cụ, dụng cụ có giá trị lớn, quý hiếm phải có thể thức bảo quản đặc biệt.
đ) Đối với các công cụ, dụng cụ có giá trị nhỏ khi xuất dùng cho sản xuất, kinh doanh phải ghi nhận toàn bộ một lần vào chi phí sản xuất, kinh doanh.
e) Trường hợp công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê xuất dùng hoặc cho thuê liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều kỳ kế toán thì được ghi nhận vào Tài khoản 242 “Chi phí trả trước” và phân bổ dần vào giá vốn hàng bán hoặc chi phí sản xuất kinh doanh theo từng bộ phận sử dụng.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 153 – Công cụ, dụng cụ
Bên Nợ:
– Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ nhập kho do mua ngoài, tự chế, thuê ngoài gia công chế biến, nhận góp vốn;
– Trị giá công cụ, dụng cụ cho thuê nhập lại kho;
– Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ thừa phát hiện khi kiểm kê;
– Kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
– Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ xuất kho sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê hoặc góp vốn;
– Chiết khấu thương mại được hưởng khi mua công cụ, dụng cụ;
– Trị giá công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán hoặc được người bán giảm giá;
– Trị giá công cụ, dụng cụ thiếu phát hiện khi kiểm kê;
– Kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ: Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ.
XEM THÊM:
➡️ Khóa học Kế toán tổng hợp thực hành
➡️ Khóa học Kế toán trưởng doanh nghiệp
Công ty CP Giáo Dục Việt Nam
Trụ sở: Tầng 2, 451 Hoàng Quốc Việt – Cầu Giấy – Hà Nội
VPTS: Lầu 2, số 195 Nguyễn Gia Trí, Phường 25, quận Bình Thạnh, Tp HCM
VPTS: Nhà B, Tầng 2, Phòng B203, Trường Cao đẳng Duyên hải- 156/109 Quán Trữ, Kiến An, Hải Phòng
VPTS: Tại Tp Nha Trang, Tp Đà Nẵng, Tp Huế ....
Hotline 1: 0983 86 86 21
Hotline 2: 028.6277.6656